Ông vua của liên hiệp màu sắc Benetton

Từ một hiệu may nhỏ, Luciano Benetton đã cùng với 3 người em xây dựng nên một đế chế Benetton đáng khâm phục và kính nể. Benetton hiện đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất châu Âu về lĩnh vực thời trang và dệt may.

Tên gọi Benetton là một trong những thương hiệu hàng hoá đẳng cấp mang tính đặc thù của Italia. Và các sản phẩm quần áo Benetton chính là một trong những mặt hàng xuất khẩu vào loại lớn nhất của đất nước này.

Luciano Benetton vừa kỷ niệm sinh nhật tròn 70 tuổi. Ông sinh ngày 13 tháng 5 năm 1935 tại Treviso, một thị trấn nhỏ nằm cách thành phố Venedig xinh đẹp 40 km về phía bắc.

Sau 40 năm, Benetton về thực chất vẫn là tập đoàn gia đình do người anh cả Luciano Benetton chèo lái và có mặt tại hơn 120 nước trên toàn thế giới. Cổ phiếu của Benetton được niêm yết tại 3 thị trường chứng khoán quan trọng ở New York, Milano, Frankfurt và được coi là một trong những cổ phiếu rất hấp dẫn Luciano Benetton, một nhà doanh nghiệp có quan điểm quản trị và điều hành doanh nghiệp được coi là mang tính cách mạng từ những năm 60 và 70 của thế kỷ 20. Người ta ước lượng lợi nhuận ròng mỗi năm của tập đoàn khoảng 300 triệu USD từ doanh thu hơn 2,5 tỉ USD.

Bên cạnh lĩnh vực thời trang, tập đoàn Benetton còn đầu tư rất nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Hiện nay 4 anh em nhà Luciano Benetton còn đang sở hữu hệ thống nhà hàng ăn nhanh Autogrill có mặt “trên từng cây số” của hầu hết các tuyến đường cao tốc lớn tại Italia. Một số nhà ga xe lửa và sân bay ở Italia cũng thuộc sở hữu của Benetton.

Gia đình nổi tiếng này còn có riêng cả một tập đoàn tài chính Edizionie Holding do Luciano Benetton làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và người em trai Gilberto Luciano Benetton làm Tổng giám đốc điều hành.

Thời cơ kinh doanh có từ cô em gái khéo tay

Luciano Benetton vừa kỷ niệm sinh nhật tròn 70 tuổi. Ông sinh ngày 13 tháng 5 năm 1935 tại Treviso, một thị trấn nhỏ nằm cách thành phố Venedig xinh đẹp 40 km về phía bắc. Năm 1945, khi Luciano mới có 10 tuổi, cha ông đột ngột mất sớm. Luciano và Giuliana, người em gái kế ông đã sớm phải thôi học tiếp để đi làm kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Giuliana làm thợ dệt trong một xưởng dệt len. Còn Luciano với chọn nghề bán hàng.

Cô con gái duy nhất của gia đình Benetton rất khéo tay. Ngày đi làm tại xưởng và tối về Giuliana lại tự đan, cho cả anh và hai người em trai. Có lần, Luciano cũng được cô em tặng một chiếc áo len với màu sắc tươi sáng và rất nổi bật. Ông rất thích và mặc thường xuyên chiếc áo đó. Tình cờ rất nhiều người hỏi mua chiếc áo mà Luciano đang mặc. Ông không ngần ngại bán ngay.

Rồi một ý tưởng kinh doanh đầu tiên ập tới, Luciano Benetton nhận đặt hàng của khách để về cho chị mình làm. Đó là những chiếc áo len có kiểu dáng đơn giản nhưng lại rất hấp dẫn nhờ màu sắc. Không thể đáp ứng hết nhu cầu của khách, ông gợi ý em gái bỏ việc ở xưởng len để cả ngày làm áo theo đặt hàng và yêu cầu mẫu mã của khách hàng.

Lúc đó là năm 1956, khi Luciano Benetton mới có 21 tuổi. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng Luciano Benetton đã thuyết phục được cô em gái khéo tay và có tài thiết kế thời trang làm theo ý của mình. Luciano Benetton gom góp hết tiền tiết kiệm và phải vay thêm để mua một chiếc máy dệt len.

Xưởng dệt len của nhà Benetton bắt đầu từ khi đó. Em làm, anh bán và lo cả nguyên vật liệu đầu vào. 20 chiếc áo len đầu tiên ra lò đã bán hết veo cho thanh niên trong vùng Treviso. Có tiền bán hàng, hai anh em Luciano và Giuliana Benetton được tiếp thêm động cơ làm việc và họ đã làm hăng say không biết mệt mỏi để có những chiếc áo len theo đơn đặt hàng.

Chỉ khoảng hơn nửa năm sau, Luciano Benetton đã thu đủ tiền hoàn vốn mua máy dệt len mà ông đã đầu tư.

Những ông vua, bà hoàng của thế giới áo len

Ham muốn trở thành ông chủ lớn, Luciano Benetton động viên cả 3 người em bán tài sản để có vốn thành lập riêng một công ty gia đình.

Năm 1965, công ty thời trang của gia đình Benetton do Luciano Benetton cầm trịch đã được thành lập. Luciano Benetton đầu tư một loạt máy đan len và thuê công nhân làm. Sản phẩm gần như duy nhất của Benetton là mặt hàng áo len. Luciano Benetton là Tổng chỉ huy và trực tiếp phụ trách quảng cáo, xây dựng thương hiệu, và hệ thống bán hàng.

Luciano Benetton đưa ra một phong cách hoàn toàn mới cho áo len Benetton. Không ít người mới thoạt nhìn sản phẩm của Benetton thì thấy hơi “sốc” bởi những sắc mầu dường như có vẻ qua sặc sỡ, chưa quen mắt với họ. Thế nhưng càng nhìn thì người ta càng thấy bị hấp dẫn bởi những màu sắc rực rỡ, tươi trẻ của Benetton.

Đương nhiên khách hàng đầu tiên của Benetton chính là giới trẻ đô thị. Càng ngày, Benetton xuất hiện càng nhiều và sự phối màu độc đáo nhưng lại rất hợp lý như đã đánh thức sự trẻ trung, vui nhộn của mọi lứa tuổi và tầng lớp dân chúng. Luciano Benetton đã đặt tên cho những bộ sưu tập áo len kỳ diệu của mình là “United Colors of Benetton”.

Đúng như tên gọi “liên hiệp các màu sắc của Benetton”, nhìn vào giá treo hàng hay tủ kính trưng bày áo len của Benetton, người ta mới thấy hết sự kỳ diệu muôn màu muôn vẻ của thế giới màu sắc mà nhà Benetton đã đem lại cho khách hàng của mình.Vào năm 1968, Luciano Benetton quyết định mở cửa hàng thời trang riêng của Benetton tại Belluno. Hệ thống mạng lưới bán hàng bắt đầu hình thành từ đó và dường như không có gì cản nổi sự phát triển của Benetton. Chỉ trong vòng chưa đến 7 năm, cho đến năm 1975, Benetton đã có trên 200 cửa hàng.

Là người nhanh nhạy phát hiện các thị hiếu của khách hàng và xu hướng thị trường, Luciano Benetton bắt đầu nghĩ đến ngay các mặt hàng khác ngoài áo len. Luciano Benetton cho ra đời các sản phẩm quần, áo, váy bằng vải bò.

Luciano Benetton là con người có đầu óc cách tân, phóng khoáng. Người lớn tuổi và tầng lớp thượng lưu có vẻ dè dặt nhưng giới thanh niên thì vô cùng sung sướng chào đón sản phẩm Benetton. Họ coi đó là những sản phẩm phù hợp với thời đại của mình với những biến động lớn lao của đời sống kinh tế xã hội.

Năm 1986 được coi là năm Luciano Benetton gây chấn động giới thời trang thế giới khi ông khai trương đồng loạt gần 800 cửa hàng ở nhiều nước. Hiện nay, toàn bộ hệ thống phân phối của Benetton có tới hơn 5.000 cửa hàng.

Trong 5 năm lại đây, kể từ năm 2000, theo lời Chủ tịch Luciano Benetton, tập đoàn của ông đã đầu tư hơn 1 tỉ USD để nâng cấp và sửa sang các cửa hàng thời trang thuộc hệ thống Benetton. Ngoài các cơ sở sản xuất chính tại Italia, Luciano Benetton mở thêm nhiều cơ sở chủ yếu ở nam châu Âu như Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungari.

Sự phát triển nhanh chóng của Benetton đòi hỏi tập đoàn phải có nguồn nguyên liệu chất lượng cao và ổn định. Từ trước đến nay, áo len của Benetton chủ yếu từ lông cừu. Luciano Benetton đầu tư vào các trang trại nuôi cừu ở Achentina, nơi có khí hậu rất thích hợp cho loài gia súc này. Số lượng cừu nuôi của nhà Luciano Benetton tăng nhanh không ngừng cùng với số lượng áo len bán được.

Anh em nhà Luciano Benetton là những ông chủ trang trại nuôi cừu lớn nhất thế giới. Vào thời điểm nhiều nhất có tới trên 300.000 con cừu đang được chăn trên các đồng cỏ Nam Mỹ.

Marketing lạ đời và quảng cáo có tính khiêu khích

Marketing và quảng cáo chính là bí quyết quan trọng nhất của Benetton. Tập đoàn Benetton và cá nhân ông chủ tịch nổi tiếng với một kiểu quảng cáo lạ đời, không giống ai. Nhiều khi rất hấp dẫn và hiệu quả nhưng cũng không ít lần gây tranh cãi và gặp cả rắc rối vì những hình ảnh hay slogan có tính cách tân đầy khiêu khích.

Luciano Benetton là con người đầy cá tính. Ở ông có một chút gì đó khác người mang tính cách của giới nghệ thuật. Người thích ông thì gọi ông là nhà cách mạng tiên phong trong các doanh nghiệp thời trang. Còn những người không hợp gu thì coi ông là người thích scandal, thích khiêu khích để gây chú ý, nổi trội.

Các chuyên gia quảng cáo đã phải thừa nhận và thán phục Luciano Benetton khi ông đã có những chiến lược quảng cáo bài bản nhưng vẫn đầy chất ngẫu hứng. Điểm nổi trội của Luciano Benetton là ông đã tài tình khai thác nhiều đề tài hấp dẫn bảo vệ môi trường, phòng chống AIDS để quảng cáo.

Thế nhưng bên cạnh những hiệu quả, Luciano Benetton cũng gặp không ít phản đối những hình ảnh và sologan có vẻ như khiêu khích quá đà. Ông đã từng phải đối đầu với cả việc kêu gọi tẩy chay mua hàng chỉ vì hình ảnh quảng cáo không phù hợp với một số người. Luciano Benetton đã chi những khoản ngân sách khá lớn cho quảng cáo thông qua tài trợ nhiều sự kiện thể thao quan trọng.