Alain Delon - “Hoàng đế” cô đơn

“Phụ nữ ư? Tôi không hiểu họ tí nào. Tôi sẽ chết mà không sao hiểu họ”- Alain Delon - người chinh phục được hàng triệu con tim nhưng không giữ nổi một con tim bên mình từng nói vậy khi trả lời phỏng vấn Paris – Match hồi cuối năm 1996.

 
 

Khu Sologne, ở nam vùng lòng chảo Paris, nổi tiếng là khu săn bắn và câu cá, vì đấy toàn những truông trảng, rừng núi và ao đầm. Ở Sologne có một tư trang luôn luôn gợi tò mò, bởi lẽ rất hiếm người được đặt chân đến.

Tư trang đó rộng mênh mông, xanh rờn cây cối. Những ngôi nhà, những khu vườn, ba bể bơi, một nhà thờ cơ đốc giáo, một cánh rừng, một hồ nước bát ngát, sân máy bay lên thẳng… Muốn thăm hết toàn bộ, ít ra phải có ba ngày.

“Vương quốc” cổ kim đông tây kết hợp này rõ ràng được xây dựng cho một gia đình lớn, một dòng họ nối tiếp mãi đến mai sau. Thế nhưng, hiện tại, chỉ một đàn chó quây quần ở đó với một ông vua, “hoàng đế cô đơn” Alain Delon, diễn viên hàng đầu của Pháp và của thế giới.

Mãi trung tuần tháng chín vừa rồi, Vương quốc Douchy ấy mới được nữ nhà báo Catherine Schwab của tuần báo Paris– Match phát hiện cho công chúng Pháp và nước ngoài. Việc phát hiện được ca ngợi là một kỳ công báo chí, gần như một chuyến thám hiểm ly kỳ.

Số là cuối tháng tám, loang ra tiếng đồn rằng Alain Delon hoãn chuyến lưu diễn vở kịch Những ngọn núi Nga mà công chúng nhiều nơi tại Pháp đang chờ đợi. Ngày 29/8, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên làn sóng phát thanh RTL, ông xác nhận việc hoãn, vì tim mạch có vấn đề.

Rồi nhiều báo, tạp chí, các hãng phát thanh và truyền hình liên tiếp đưa tin về Alain Delon. Paris – Match đương nhiên cũng vào cuộc, và gây nhiều ấn tượng bất ngờ nhất từ trung tuần tháng chín tới nay…

Công chúng khắp nơi trong và ngoài CH Pháp tới tấp gửi lời thăm hỏi và cầu chúc cho Delon. Có những bức thư được viết bằng một thứ tiếng Pháp “giả cầy”, song tác giả là người lớn tuổi, nên càng xúc động.

Câu đầu tiên của Delon mà người ta nhớ đến ngay dịp này là “Tôi đã làm rất cừ ba việc: nghề nghiệp, những trò ngu ngốc và yêu thương các con”.

Bảy mươi năm trước, Alain Delon cất tiếng khóc chào đời ở Sceaux, một thị trấn ngoại ô Paris. Cha là chủ một rạp chiếu bóng nhỏ. Mẹ bán thuốc. Cha mẹ ly dị khi Delon mới bốn tuổi. Ông được một đôi vợ chồng gác ngục đón về nuôi. Lớn lên trong môi trường gồm toàn tội phạm và cảnh sát, ông sớm nhận thấy những bất ổn của cõi đời. Tính cách và sự nghiệp sau này của ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của tuổi thơ không bình thường.

Trở thành một đứa bé quá hiếu động và nghịch ngợm, ông bị đuổi học sáu lần, hầu như trường nào trong vùng cũng không kham nổi. Ngay một trường dòng cũng không giữ ông nội trú được lâu.

Năm 14 tuổi, ông rủ một bạn thân bỏ trốn và định sang Chicago, Hoa kỳ. Cuộc phiêu lưu không hẳn là điên rồ kết thúc ở sở cảnh sát. Người mẹ đành hướng con theo nghiệp của người chồng thứ hai của bà, chủ một doanh nghiệp thịt lợn, xúc xích, patê. Ông đã học và được cấp chứng chỉ đủ năng lực hành nghề.

Song, chí của Delon lớn hơn thế nhiều. Có điều, học hành chả ra sao, ông bèn quyết định theo nghiệp binh. Năm 1953, ở tuổi 17, ông tình nguyện nhập ngũ và được điều sang Đông Dương. Ông từng trải qua những trận đánh ác liệt, từng chịu nhiều rủi ro, bất hạnh.

Bốn năm làm lính khiến ông chín chắn lên nhiều và cũng nhận rõ đấy không phải nghề cần theo. Về Pháp, ông phải làm đủ việc linh tinh để kiếm sống, lâu nhất là nghề bốc vác ở các khu chợ Paris.

Ông tình cờ được một người bạn mời đến Cannes đúng kỳ liên hoan 1957.

Tại đây, ông hay cùng bạn lui tới chỗ nọ chỗ kia, nên được một đạo diễn chú ý, chủ yếu vì vẻ ngoài vừa điển trai vừa “bụi đời”. Đạo diễn này đưa ông sang Rome diễn thử và đề nghị ông ký một hợp đồng bảy năm với Hollywood. Ông được gửi về Paris để học tiếng Anh.

Ông ngẫu nhiên gặp đạo diễn phim hình sự Pháp Yves Allégret (1907 - 1987) và bị thuyết phục hoàn toàn, bèn hủy hợp đồng nói trên và tham gia ngay bộ phim của ông này Khi đàn bà chõ mũi vào (1957).

Ông nổi danh tức thì, không phải do tay nghề đã vững mà chủ yếu vì hình thể hơi mảnh mai và có vẻ luôn bồn chồn, bộ mặt như của trẻ vị thành niên, gây ấn tượng mạnh, trái hẳn với sự đơn điệu nhạt nhẽo của những diễn viên chuyên đóng loại vai bất hảo hay anh chị.

Từ đó, ông không ngừng được mời vào vai, hiển nhiên loại nhân vật vừa nói là chính, không chỉ ở Pháp, mà còn ở khắp châu Âu và Hoa kỳ, với những đạo diễn tài giỏi hàng đầu. ấn tượng các vai do ông thể hiện qua 82 bộ phim – thành công nhất là Nắng chan hòa (1960), Báo bờm châu Phi (1962), Chàng samourai (1967), Chuyện chúng tôi (1984), Fabio Montale (phim truyền hình, gần 40 triệu người xem, 2001) - vừa đa dạng, vừa ám ảnh, khiến khán giả khó yên lòng sau khi xem phim.

Vẻ đẹp thiên thần của kẻ ác thật tương phản với sự lạnh lùng, tàn nhẫn, vô hồn bên trong. Song le, dường như tội ác kia có chút gì có lý, hoặc hình phạt có chút gì không hợp lý.

Điều này được Alain Delon thổ lộ năm 1999: “Tôi quyết định chấm dứt sự nghiệp điện ảnh. Phim đích thực không còn. Khắp nơi chỉ thấy phim thương mại. Tôi đã thủ vai trong khoảng 80 phim, mỗi phim một vẻ. Mấy ai được sống từng ấy cuộc đời? Năm mươi năm nữa, liệu có ai còn nhớ Alain Delon?”.

Không ít nhà phê bình giật mình trước câu nói này. Nghệ thuật phải gan ruột như vậy. Từ đó, ta mới dễ hiểu chuyện chừng như vô lý ở cả nhà văn Bỉ George Simenon (1903 - 1989): Thanh tra Maigret không lên án tội phạm, mà thương xót cả tội phạm lẫn nạn nhân, thậm chí có cảm tình với tội phạm hơn. Xin nói rằng ba lần ông nói từ giã điện ảnh (1996, 1999, 2001), ba lần ông trở lại đóng phim.

Ông có tài và khá thành công trong kinh doanh. Những năm 1960, ông kinh doanh nhà hàng khá rôm rả. Năm 1964, thành lập Hãng sản xuất phim Delbeau Production và đã sản xuất 26 bộ phim. Năm 1978, ông thành lập Công ty “Alain Delon Diffusion SA”, trụ sở ở Genève. Nhãn hiệu ấy được biết đến khắp nơi trên hành tinh với nhiều loại sản phẩm như nước vệ sinh, rượu vang, rượu cognac, đồng hồ đeo tay, kính đeo mắt…

Ông từng thắng kiện một hãng của Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm bản quyền của mình. Về cơ bản, Alain Delon đã thắng lợi ngoạn mục trong tất cả những gì ông làm và muốn làm.

Thế nhưng, dường như ông đang ngã gục dưới cú đòn hiểm nhất. Ấy là hôn nhân và gia đình. Tình yêu sét đánh (1958) giữa ông và ngôi sao màn bạc Áo Romy Schneider (1938 - 1982), mà lễ đính hôn ngày 22 tháng Ba năm 1959 được báo chí toàn cầu chứng kiến, đã đi vào lịch sử như một mối tình thế kỷ.

Song ít năm sau, hai người chia tay. Ông gặp Nathalie Canovas, một minh tinh Hollywood, năm 1964, và thành hôn ngay năm đó, sinh ra con trai Anthony Delon, nay cũng là diễn viên đã 41 tuổi.

Mối tình thứ hai cũng không bền. Mireille Darc quen ông khi cùng diễn trong phim Jeff (1968), về sau trở thành người vợ thứ ba của ông. Năm 1985, Delon đến sống ở Thụy Sỹ trong một lâu đài tráng lệ có bể bơi, vườn rộng, bên bờ hồ Léman. Đang trục trặc với Mireille Darc, năm 1987, ông làm quen với Rosalie Van Breemen, cô gái trẻ bằng nửa tuổi ông.

Hai người yêu nhau đắm đuối, nên vợ nên chồng và cho ra đời hai con: Anouchka, nay 15 tuổi và Alain Fabien, 11 tuổi (Fabien là tên ông nội). Do nhiều nguyên nhân, cái chính hẳn là “những trò ngu ngốc” của ông (đàng điếm, ong bướm, thế giới ngầm), Rosalie nhất quyết từ bỏ ông và đem theo hai con về với người chồng mới năm 2002.

Cách một kỳ nghỉ cuối tuần, ông mới được gặp các con một lần. Năm 2003, ông thuyết phục được Rosalie cho con gái Anouchka đóng cùng ông trong phim truyền hình Sư tử. Mơ ước hướng con vào nghề của mình càng ngày càng khó khăn.

Hai con nhỏ là niềm kiêu hãnh, là tác phẩm hay nhất của ông. Chỉ một tiếng cười của một trong hai đứa đã đủ xua tan trong ông những u ám nặng nề.

Cuối năm 1996, trả lời phỏng vấn Paris – Match, ông nói: “Từ khi chúng sinh ra, tôi có cảm giác bị trừng phạt, mỗi khi rời chúng để đi làm” và, “Phụ nữ ư? Tôi không hiểu họ tí nào. Tôi sẽ chết mà không sao hiểu họ”. Người chinh phục được hàng triệu con tim đã không giữ nổi một con tim bên mình và có nguy cơ mất nốt hai con tim mà người đó yêu thương nhất. Chúng cũng rất yêu ông.

Ba năm rồi, ông vật lộn với bản thân và giờ đây ông công khai ý định tự kết liễu đời mình. Nơi an táng là Beaulieu - sur – Mer. Nhạc tang lễ sẽ là Trong đời tôi của The Beatles và Con đường của tôi do Sid Vicious thể hiện. Lời vĩnh biệt của ông: “Ciao tutti!” (tiếng Italia). Văn bia: “Ai cũng nói về người ấy chuyện này”.

Tuy nhiên, theo Paris – Match, ông vẫn còn sống được, vì hai con. Ông vẫn hy vọng một phụ nữ nào đó hiểu mình, dĩ nhiên một phụ nữ đứng tuổi sẽ là cái phao cho ông. Công chúng thì không để ý đến những “trò ngu ngốc” mà chỉ hàm ơn ông về những đóng góp của ông cho đời…Thực ra, cõi thế đã lặng lẽ giúp ông làm được những gì mà ông có thể. Lẽ công bằng ấy là bất tử vậy…